Mô cứng của răng bao gồm: Men răng, ngà răng, và lớp cement. Chúng có thể bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những tổn thương do sâu còn rất nhiều những tổn thương đa dạng khác. Việc xác định được nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của tổn thương giúp đem lại hiệu quả trong điều trị.
1. Mòn răng
Là sự mất mô cứng do tiếp xúc giữa các răng đối đầu. Dưới tác động của các tác nhân nội tại.
Nguyên nhân
Có thể là sinh lý hay bệnh lý. Trên lâm sàng rất khó chẩn đoán và phân biệt. Tác nhân nội tại thường là trụ men của các răng đối diện. Mòn bệnh lý thường do các nguyên nhân:
- Khớp cắn bất thường hoặc rối loạn khớp cắn sau nhổ răng.
- Nghiến răng: Được coi là một rối loạn cận chức năng của khớp cắn. Thường do nguyên nhân tâm lý hoặc khớp cắn.
Đặc điểm tổn thương
Mòn răng sinh lý thường có thứ tự mòn răng tương đối ổn định: Mòn rìa cắn trước, sau đó mòn đến núm tựa các răng hàm (các núm ngoài răng dưới và núm trong răng trên). Đối với các răng cửa hàm trên. Rìa cắn thường bị mòn theo hướng từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Còn đối với các răng cửa hàm dưới thì ngược lại theo hướng từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên.
Mặt tổn thương có thể phẳng trong giai đoạn mòn men. Khi ngà răng bị bộc lộ thường bắt màu nâu. Do tốc độ mòn của ngà nhanh hơn tốc độ mòn men nên tổn thương có dạng hình lõm đáy chén.
Các tổn thương của 2 răng đối đầu thường khớp khít vào nhau.
Khi mòn răng tới mặt bên sẽ làm biến đổi diện tiếp giáp thành điểm tiếp giáp. Và làm các răng dịch chuyển về phía gần.
Vị trí và mức độ tổn thương phụ thuộc vào đặc điểm khớp cắn: Các điểm chạm sớm và các điểm cản trở cắn là các điểm mòn răng sinh lý thường xuất hiện sớm.
Mức độ mòn nhiều gây nhạy cảm răng. Kích thích tạo ngà phản ứng bảo vệ tủy.
Mòn răng do nghiến răng phụ thuộc vào kiểu nghiến răng. Có 2 loại nghiến răng:
- Nghiến răng trung tâm: Nghiến chặt răng ở tư thế lồng múi tối đa.
- Nghiến răng lệch tâm: Nghiến răng khi đưa hàm ra trước, ra sau hoặc sang bên.
Dưới kính hiển vi: Mặt mòn phẳng, giới hạn rõ, có các đường xước song song theo một hướng duy nhất và tương đồng với các tổn thương trên mặt răng đối đầu.
Chẩn đoán
Dựa vào các điểm tổn thương
- Tổn thương của 2 răng đối đầu khớp khít nhau.
- Tổn thương lõm đáy chén
Dự phòng và hướng điều trị
Dự phòng: Loại bỏ những nguyên nhân gây tật nghiến răng: sang chấn tâm lý, khớp cắn,…
Hướng điều trị:
- Sử dụng máng chống nghiến
- Sử dụng các sản phẩm chống nhạy cảm ngà
- Trường hợp nặng: Trám composite, bọc chụp
2. Mài mòn
Là quá trình mòn răng bệnh lý do tác động từ lực ma sát của các tác nhân ngoại lai.
Nguyên nhân
- Lực chải răng quá mạnh
- Các hạt trong kem đánh răng quá thô
- Thói quen cắn các vật cứng
- Thói quen ăn thức ăn xơ cứng
- Mài mòn có thể thứ phát sau mài mòn hóa học
Đặc điểm tổn thương
Vị trí tổn thương phụ thuộc vào vị trí tác động của lực ngoại lai. Nhìn chung không có sự ưu tiên vị trí như mòn răng.
Vùng tổn thương có ranh giới rõ. Có xu hướng làm tù núm răng và các rìa cắn. Trên các tổn thương lộ ngà có thể có các tổn thương lõm hình đáy chén.
Tổn thương có thể khu trú ở một nhóm hay một số răng do tiếp xúc liên tục. Với một lực ma sát của vật ngoại lai như tổn thương mòn do thói quen cắn đinh, cắn tẩu thuốc.
Dưới kính hiển vi: Tổn thương óc hình ảnh các đường xước theo các hướng khác nhau. Xen kẽ với các tổn thương sâu hơn tạo thành các hố rãnh.
Chẩn đoán
Dựa vào đặc điểm tổn thương:
- Mài mòn răng do thói quen ngậm hạt
- Mài mòn răng tạo ra các núm răng tù
Dự phòng và hướng điều trị
Dự phòng: Loại bỏ những thói quen xấu ảnh hưởng tới răng.
Điều trị:
- Sử dụng các sản phẩm chống nhạy cảm ngà
- Trám composite, onlay – inlay, bọc chụp.
Nguồn tham khảo: Tài liệu của Viện đào tạo răng-hàm-mặt – Trường Đại học Y Hà Nội
Xem thêm: https://aromaedu.vn/ton-thuong-mo-cung-khong-do-sau-rang-phan-2.html