Điều trị các tổn thương do rối loạn trong quá trình phát triển răng

Tùy theo mức độ tổn thương trên lâm sàng để chọn các phương pháp điều trị thích hợp

1. Điều trị tạo men không hoàn chỉnh

 1.1. Trám thẩm mỹ với composite

– Lập dự án thẩm mỹ: Đắp composite lên toàn bộ vùng thiểu sản. Khôi phục lại hình thể răng theo cấu trúc giải phẫu và chiếu đèn. Lấy mẫu cung hàm bệnh nhân và dập máng mềm. Đây sẽ là dấu khóa cho phục hình composite sau này.

– Mài răng: Dùng mũi khoan tròn hoặc trụ. Tạo những điểm hoặc rãnh định hướng lên bề mặt răng sâu 0,3 – 0,5mm. Sau đó mài toàn bộ mặt ngoài răng theo những điểm định hướng này. Lưu ý không xâm phạm vùng kẽ răng. Vì composite có thể gây viêm đường hoàn tất. Nên để trên lợi hoặc ngang bằng lợi.

– Tiến hành trám composite: Nếu răng sẫm màu có thể đặt 1 lớp opac trước khi đắp composite. Để màu răng tự nhiên nên sử dụng composite màu men cho phần rìa cắn. Sau đó đặt máng mềm vào và chỉnh sửa composite theo “dấu khóa” đã chuẩn bị sẵn. Chiếu đèn từng răng và gỡ máng ra.

– Hoàn thiện, đánh bóng mối trám composite.

Ưu nhược điểm của trám thẩm mỹ bằng composite:

– Ưu điểm: Đơn giản, rẻ tiền.

– Nhược điểm:

  • Composite dễ gây viêm lợi. Đòi hỏi phải hoàn thiện đường hoàn tất thật trơn láng. Và nên để trên lợi.
  • Màu sắc không tự nhiên.
  • Dễ bong vỡ
Thiểu sản men răng

1.2. Phục hình bằng veneer

– Lập dự án thẩm mỹ: “dấu khóa” được sử dụng là silicon nặng. Đặt silicon nặng phủ lên toàn bộ vùng răng cần làm thẩm mỹ. Đợi silicon khô và lấy ra. Sử dụng lưỡi dao mổ cắt silicon thành từng lớp mỏng theo trục thân răng của từng răng.

– Mài răng: Tương tự mài trong trám composite nhưng sâu hơn 0,5 – 1mm. Khi mài luôn chú ý kiểm tra răng bằng “dấu khóa” silicon để tránh mài quá nhiều mô răng.

– Lấy dấu silicon và gửi xưởng.

– Gắn mặt dán sứ: Sử dụng chất dán chuyên dụng. Cần đặt Ruberdam và chỉ co nướu để cách ly nước bọt tốt.

Ưu nhược điểm của mặt dán sứ:

– Ưu điểm:

  • Mài ít mô răng, không gây ảnh hưởng tủy.
  • Màu sắc đẹp tự nhiên.
  • Không gây viêm lợi.
  • Là phục hình khá bền vững nếu làm đúng kỹ thuật.

– Nhược điểm

  • Đắt tiền
  • Đòi hỏi nha sĩ có kinh nghiệm

2. Tạo ngà bất thường

– Điều trị tủy với những răng có tổn thương tủy.

– Trám phục hồi bằng composite

– Phục hình răng bằng chụp.

Những bất thường ngà răng – men răng ở hàm răng sữa, răng hỗn hợp. Để đề phòng mất chiều cao tầm cắn dọc do mòn – vỡ răng, người ta có thể bọc răng bằng những chụp tiền chế.

3. Nhiễm màu

3.1. Nhiễm màu sinh lý

Đây là sự nhiễm màu bề mặt, cấu trúc hóa học bên trong không thay đổi. Điều trị những nhiễm màu này chỉ cần lấy cao răng. Đánh bóng bề mặt.

3.2. Nhiễm màu bệnh lý

Răng nhiễm màu

Có thể tẩy trắng tại nha khoa hoặc tại nhà.

Tẩy răng tại nha khoa: Dùng peroxide carbamide 35% nên dùng kèm máng tẩy để đẩy nguyên tử oxy vào răng. Có thể kết hợp với ánh sáng để thúc đẩy quá trình tẩy trắng. tuy nhiên cần lưu ý, nếu ánh sáng sinh nhiệt có thể gây ngoại tiêu vùng cổ răng hay gây chết tủy. Vì vậy nên sử dụng ánh sáng không sinh nhiệt.

Tẩy trắng tại nhà: Dùng gel peroxide carbimide 10 -22% và máng tẩy:

– Mỗi ngày đeo máng 2 – 8 giờ

– Nhiễm màu tự nhiên 1 – 4 tuần

– Nhiễm màu bệnh lý:

  • Màu vàng: 2 – 8 tuần
  • Màu nâu: 4 – 12 tuần
  • Màu xám: 6 – 20 tuần
  • Màu tím: 8 – 24 tuần

– Dùng Kali nitrat 5% giảm nhạy cảm

– Fluor 0,22% (3- 5 phút), dùng 3 – 4 tối ngay sau tẩy trắng.

Nguồn tham khảo: Tài liệu của Viện đào tạo răng-hàm-mặt – Trường Đại học Y Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0963288870
Liên hệ